LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU (15)

    

Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu  (tt)

Old Diary Leaves - H.S. Olcott

Xem Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (Các Bài Trước)

XI - XII
Nay ông Olcott sang Ireland tới thủ đô Dublin vào 12 tháng mười, có bài giảng tại đây. Tới Belfast, ông nói về đề tài tinh linh, giải thích rằng việc phát triển khả năng lý luận của hạ trí, thường có khuynh hướng ngăn chặn các nhận thức tinh tế hơn mặt tâm linh, mà qua đó người ta tiếp xúc với những lực thanh bai hơn của thiên nhiên, làm tàn lụi khả năng thông nhãn ta có thể có. Như vậy, tiên nữ có thể mất dạng nhưng chỉ là với con mắt của não bộ được gọi là có giáo dục, còn dân quê chưa bị khoa học ảnh hưởng vẫn cảm biết được chuyện ở cõi thanh.
Ông quay về Anh ngày 22 tháng mười, và sau những buổi giảng tại Edinburgh, London, lên đường trở lại Ấn ngày 26 tháng 12. Trên đường về, ông ghé Tích Lan nên tới Adyar vào ngày 5 tháng hai, chấm dứt chuyến đi dài 12 tháng qua đoạn đường hơn 46.000 km.

XIII
Vào tháng bẩy, các nhóm TTH tại Âu châu muốn tách rời khỏi Adyar và lập một tổ chức khác cho riêng mình.Ý này bị ông phản đối vì không hợp với điều lệ của hội. Sang tháng tám tại Adyar, ông được hội viên cho hay là đang nhận đóng góp để lập một quỹ hưu cho ông, nhằm bảo đảm cho tương lai ông được thoải mái. Ông Olcott từ chối, nói rằng lợi tức khiêm nhường của báo The Theosophist đủ trang trải cho tất cả chi phí ông cần, tuy vậy đề nghị làm ông rất vui.
Tưởng nên nói thêm là từ khi lập Hội, ông Olcott và bà Blavatskyhoàn toàn có độc lập về tài chánh từ lợi tức nói trên, và riêng HPB viết thêm bài du ký cho báo Nga lúc nào có thể được,   sau khi đã viết xong các sách vở TTH. Về sau, nhu cầu quá lớn của việc soạn bộ The Secret Doctrine khiến bà không còn giờ viết bài gửi về Nga, cảnh sống của bà được khách đến chơi nhận xét là rất giản dị, nếu không muốn nói là nghèo.
Trong mấy tháng hè năm ấy, trụ sở hội tại Adyar nhận được đóng góp hoặc nhiều hoặc ít từ Mỹ hay Âu châu gửi về để hỗ trợ việc làm của hội. Ông Olcott cho đây là hiện tượng lạ lùng có từ ngày đầu thành lập hội tới ngày nay; hễ khi ông gặp chuyện cần cho hội dù lớn hay nhỏ, thì luôn luôn có hỗ trợ tới đúng lúc để trang trải. Ông ghi phải là người chậm lụt mới không nhận ra đây là dấu hiệu về sự che chở của những đấng Cao Cả, khuyến dụ ai có thể cho ra để gửi tặng điều chi cần. Ông cũng ghi thêm là kinh nghiệm này không phải chỉ thấy cho riêng hội, mà cho tất cả người không ích kỷ làm việc cho lợi ích chung.
Ta đã biết ông Olcott tuyên bố trước công chúng nhiều lần rằng ông là Phật tử, mà ông cũng ghi rằng một bài giảng Theosophy khi nói tổng quát không đi vào chi tiết, có vẻ như khiến các tôn giáo khác nhau nhận ra như là sự trình bầy các điểm căn bản của tôn giáo họ. Chuyện đã xẩy ra và nay có thêm thí dụ chứng tỏ việc này.
Ngày kia, ông đi dự buổi giảng của đạo Hồi. Đây là lần đầu tiên ông tới cuộc họp thuộc cộng đồng Hồi giáo, dự tính lặng lẽ vào ngồi ở cuối phòng, để nếu bài giảng khôngcó gì thú vị thì rút êm, không ai biết. Nhưng vừa bước chân vào thì có người nhận ra ông, họ tụ lại long trọng tiếp rước và lập tức bầu ông làm chủ tịch buổi họp ! Phản đối không ăn thua, ông phân trần mình không là người theo đạo Hồi mà là Phật tử và người TTH. Tín đồ bảo họ đã nghe ông giảng, và thấy ông là đạo hữu Hồi giáo ngoan đạo y như họ vậy; nên ông nhận lời và giới thiệu giảng viên hôm ấy.
Hai hôm sau, người này tới Adyar, mạnh mẽ thúc giục ông tuyên bố trước công chúng rằng ông là tín đồ đạo Hồi, vì hiển nhiên ‘ông là vậy trong tâm’, và xin ông cứ đi thuyết giảng như lâu nay vẫn thế ! Lời từ chối của ông làm người này rầu rĩ quay lui.
Đi tới đâu ông Olcott cũng khuyến khích người ở đó mở trường, giáo dục cả nam và nữ sinh. Nay một trường nữ sinh khai trương tại Tích Lan và ông được mời sang khánh thành. Đây là trường đầu tiên như thế được thành lập, và là kết quả trực tiếp từ nỗ lực của ông cho đất nước này.Ông nhận lời và đi Tích Lan vào giữa tháng mười. Một trường nữ khác cũng được lập tại Nhật do chuyến đi của ông tới nơi đây.
Do sự kiện đã ghi ở đầu chương XII, trước khi rời Tích Lan về Ấn, ông viết thư cho bà Blavatsky tỏ ý muốn từ chức hội trưởng,và giao hết mọi trách nhiệm trong hội về hành chánh cũng như tinh thần cho bà, viện lý do là nay giai đoạn tiền phong của hội đã xong, bà dễ dàng tìm thấy nửa tá người khác có giáo dục hơn, dễ làm việc chung với họ hơn là với ông, để giúp bà tiếp tục phong trào. Ông cũng ngỏ ý này cho nhiều nhân vật hàng đầu khác, đông cũng như tây, và còn đi xa hơn là khởi sự dọ hỏi mùa nào thích hợp nhất, để xây căn nhà nhỏ ở miền núi Ootacamund cho ông nghỉ hưu.
Tứ phía gửi thư về phản đối, còn HPB cho ông hay là Chân sư không chấp thuận việc từ chức của ông, thế nên ông thuận tiếp tục ở lại chức vụ.
Nỗ lực chấn hưng và phát triển Phật giáo ông làm tại Tích Lan và Nhật được Miến Điện lưu ý, họ lập quỹ và khi có đủ tiền quyên góp, họ mời ông làm trưởng phái đoàn đi truyền đạo sang Âu châu vào tháng hai năm sau, với mọi chi phí do quỹ trang trải. Nhưng ông từ chối vì nghĩ rằng thời cơ chưa thuận tiện.

XV
Dầu vậy, hội Phật giáo Miến Điện không bị hoàn toàn thất vọng phải ra về tay không. Khi được biết là đại diện của họ sẽ tới Adyar để thúc giục ông nhận lời, ông Olcott gửi điện tín xin Tích Lan và Nhật gửi phái đoàn tới gặp nhóm Miến Điện, và mọi người hội họp cùng ông ngày 8 tháng giêng, 1891. Việc truyền đạo sang Âu châu được để qua bên, nay ông đưa ra quan điểm của mình và mời thảo luận, việc kéo dài đến ngày 22 khi tất cả những tín điều của Phật giáo Nam và Bắc tông được so sánh, ông Olcott soạn ra bản gồm14 điểm mà mọi chi phái Phật giáo có thể đồng ý, để có tình huynh đệ tương thân tương ái giữa họ với nhau. Các đại biểu và ông ký vào văn bản.
Không cần phải nói, đây là văn kiện  có tầm quan trọng sâu xa nhất, vì từ trước tới nay chưa hề có nền tảng chung hay sự hợp tác nào giữa các chi phái của Phật giáo trên thế giới, cùng họp lại để quảng bá ý tưởng của tôn giáo mình. Văn bản này được các nhà lãnh dạo của cả Nam và Bắc tông chấp thuận từ nay.
Ông Olcott dự tính đi Úc, để tìm hiểu về việc hội viên tên Hartmann lập di chúc tặng Hội trọn tài sản của mình (mà ta sẽ nói về sau), và một công đôi việc đi thăm luôn những chi bộ của ở ‘miệt dưới’ down under.Ông tính đi ngay vào đầu năm, nhưng khi đại diện của Miến Điện biết ý định này, họ khẩn khoản mời ông đến thăm xứ sở của họ trước khi sang Úc, bảo rằng ‘cả nước’ chờ đón ông. Tại đại hội thường niên vào cuối năm1890 tại Adyar, các hội viên cũng xin ông lấy ngày nghỉ, vì từ khi sang Ấn tới nay là 12 năm ông chưa có nghỉ ngày nào. Sau khi suy tính kỹ, ông Olcott nhận lời và xuống tầu đi Miến Điện cùng hai đại biểu nước này ngày 17 tháng giêng.
Ta đã có ghi ông tới đây lần đầu năm 1885. Kỳ thứ hai này ông tới Rangoon cũng được tiếp đón trọng thể, thân ái, ngồi xếp bằng trên chiếu trên nóc phẳng của căn nhà, thảo luận những điểm tinh tế trong triết lý siêu hình của Phật giáo.Ngày 23 tháng giêng ông rời Rangoon đi các nơi trong nước bằng đủ mọi phương tiện. Trên tầu hành khách thuộc hết các hạng người, và cũng đủ loại hàng hóa mang theo làm khoang thuyền có đầy mùi, từ mùi nồng nặc của hoa huệ, mùi tỏi đến mùi như fromage Limburger và mùi cá ươn. Bởi đã quá quen với cảnh này nên đây chỉ là thêm một kinh nghiệm cho ông, và ông không nề hà việc qua đêm quấn mềm trên sàn gỗ cứng của tầu, rất thoải mái.
Khi khác thì đi xuồng tam bản và đến nơi xương cốt ê ẩm. Xe lửa cũng không hơn gì, tình trạng đường xá làm tay chân rã rời lúc xuống xe. Bù lại thì người dân rất hiếu khách, tình người làm ông còn nhớ hoài nhiều năm về sau. Cung cách hàng tăng lữ cũng làm ông kính trọng, vị sư trưởng là em nhà vua chỉ mặc áo vải vàng như bất cứ tăng sĩ nào khác, mà không lụa là gấm vóc.
Mỗi lần tiếp chuyện thì ai nấy quì gối, là thói quen của người dân .Bởi họ xem ông là người thuộc cùng tôn giáo nên đối đãi như thể ông là người Miến Điện, không mời ngồi ghế mà mặc nhiên cho là ông cũng sẽ quì gối mấy tiếng đồng hồ như họ. Ông Olcott xem đó là lời khen ngợi của chủ nhà, lặng thinh làm theo để tới cuối buổi đứng dậy thì lưng và chân đau như dần.
Tại Rangoon, ông đến thăm hội đồng tăng già, nói về việc làm của mình cho Phật giáo ở Tích Lan và Nhật, việc mở trường cho nam nữ sinh, và dù cón những khác biệt giữa Nam và Bắc tông, vẫn có nhiều điểm về kinh sách mà các chi phái có thể đồng ý với nhau. Bản văn kiện gồm 14 ý tưởng căn bản của Phật giáo, được đưa ra  cho mọi người có mặt xem xét từng điểm một và được chấp thuận tất cả, với các tăng sĩ hiện diện ký tên.
Ông cũng thuyết giảng ở vài nơi và đi thăm các thắng tích Phật giáo, sau đó về tới Madras ngày 12 tháng hai.

XVI
Bốn ngày sau, ông xếp hành lý xuống tầu sang Úc. Trên đường đi phải ghé Tích Lan và dừng ở đó vài tuần. Trong cảng Colombo khi ấy có tầu của thái tử nước Nga - về sau là Nga Hoàng - tới đây trong chuyến đi vòng quanh thế giới. Một vài hoàng thân trong đoàn tùy tùng muốn làm quen với ông nên hai bên chuyện trò, có người rất quan tâm đến triết lý Phật giáo khiến câu chuyện kéo dài làm đôi bên thích thú. Ông đưa cho họ văn kiện về ý tưởng Phật giáo để nhờ phổ biến tới các tu viện Phật giáo trong đế quốc Nga, và về sau biết là chuyện đã được thi hành.
Tầu đến Sydney ngày 23 tháng ba, từ đây ông đi thuyền khác tới Brisbane, tới nơi ngày 27. Nơi sau chót ông đi xe lửa đến là Toowoomba và tới vì lý do lạ lùng sau. Ông Hartmann là hội viên người Úc có tài sản đáng kể gồm đất đai, thương nghiệp, tiền trong ngân hàng và cổ phần hầm mỏ sinh lợi,  nhưng ông Olcott và không ai khác ở Adyar hay biết gì về điều ấy, cũng như sẽ không chấp thuận hành động của ông Hartmann trong bất cứ trường hợp nào. Bởi khi qua đời, ông Hartmann ghi trong di chúc là để lại hết tài sản ấy cho Hội mà ông Olcott là người đại diện sẽ nhận lãnh, còn chính thân nhân của ông Hartmann hoàn toàn không được chia gì cả.
Ông Olcott bảo nếu được cho biết trước ý định này, hẳn ông sẽ khuyến dụ ông Hartmann đừng làm sai quấy như vậy cho gia đình, còn gia đình ông Hartmann gồm con gái và chồng, hai con trai, và anh trai của ông phản đối mà không sửa đổi được di chúc, nên họ đâm ra oán trách ông Olcott. Nay ông tới để mong giải quyết sự việc.
Ban đầu, tự nhiên là gia đình ông Hartmann coi ông Olcott như thù nghịch, đón tiếp với sự nghi kỵ lạnh lùng. Trước khi ông tới họ đã đi khắp phố tỏ ý trách móc cha và anh mình, và khích động làm người ta có tiên kiến về hội. Nhưng nay khi thấy ông không có ý xử tệ với họ thì gia đình từ từ hết giận dữ, và tới cuối buổi nói chuyện, họ không ngần ngại đặt quyền lợi của mình vào tay ông, tuyên bố là họ hài lòng với bất cứ dàn xếp nào ông có cho họ.
Sau khi suy nghĩ kỹ, ông Olcott vốn là luật sư đã thảo một thỏa thuận mà vài điểm chính là:
– Tài sản của ông Hartmann, sau khi trừ đi chi phí di chuyển và các phí tổn khác để ôngOlcott sang Úc, chia làm năm, gồm bốn phần cho gia đình Hartmann và một phần cho ôngOlcott.
– Gia đình Hartmann có bẩy ngày để chấp thuận đề nghị này.
– Gia đình phải tự lo việc phân chia giữa họ với nhau.
Mọi người không rời phòng mà chấp nhận ngay thỏa thuận, và bầy tỏ lòng biết ơn. Về sau khi ở Úc có bất an về bất động sản, ông Olcott bỏ luôn việc hội nhận một phần năm tài sản mà giao trọn tất cả cho gia đình Hartmann, không lấy điều chi cho Hội trừ chi phí đã nói và vài vật lưu niệm có giá trị không đáng kể.
Hội viên hoàn toàn tán đồng quyết định này của ông, còn gia đình Hartmann nay đi khắp chốn khen ngợi ông Olcott, khiến lập tức có thay đổi quan niệm của công chúng trong vùng về hội và ông. Báo chí Úc cũng loan tin và có phản ứng thuận lợi, cho rằng ông xử sự đúng theo tinh thần Thiên Chúa giáo. Kết quả khác là ông được mời giảng cho công chúng ở Toowoomba đề tài ‘TTH và Phật giáo’, rồi giảng ở mỗi thị trấn khác mà ông viếng thăm. Đông người tới khách sạn xin gặp mặt ông hoặc xin gia nhập hội, trong số có những viên chức chánh quyền cấp cao nhất, luôn cả giáo sĩ Thiên Chúa giáo.
Khi ông tới Úc thì nơi đây có ba chi bộ, mà lúc rời đi có bẩy chi bộ, đủ để thành lập xứ bộ Úc. Ông đã đặt vé đi New Zealand với hy vọng thành lập các chi bộ mới ở nơi đây. Mọi chi tiết, mọi việc như mướn phòng cho buổi giảng, đặt phòng khách sạn đã làm xong hết nhưng sự kiện HPB qua đời ngày 8 - 5 làm thay đổi tất cả, khiến ông hủy bỏ chương trình sang Tasmania và NewZealand, mà lên tầu đi Colombo ngày 27 tháng năm.
Ông có ấn tượng đầu tiên về việc HPB qua đời do chính bà gửi đi trong ngày, rồi sau đó là cảm xúc tương tự thứ hai. Lần thứ ba một ký giả dự buổi nói chuyện của ông cho hay là nhận được tin từ London loan báo HPB từ trần.

XVII
Chuyến về tầu ghé vài nơi và đến Marseilles ngày 2 tháng bẩy rồi ông tới London lúc sáu giờ chiều ngày 4 -7. ÔngWilliams Q. Judge gặp ông và cả hai đến trụ sở xứ bộ, thăm viếng nơi cư ngụ cuối cùng của HPB. Sự qua đời của bà Blavatsky khiến nay chỉ còn ông Olcott, và ông được xem như là trụ cột duy nhất của phong trào TTH; điều này làm ông có cảm tưởng là tâm tình của các thành viên giỏi dang nhất trong hội, giờ nồng ấm với ông nhiều hơn hết so với trước đây.

Bài lược dịch hồi ký của ông Olcott xin ngưng ở thời điểm này, trang 315 Old Diary Leaves cuốn 4 (530 trang). Hồi ký còn tiếp tục sang cuốn 5 và 6 về lịch sử hội những ngày đầu. Mời bạn tìm đọc thêm để biết những chi tiết thú vị khác.